Xoài cát Hòa Lộc là loại quả đặc sản nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quả xoài có trọng lượng trung bình từ 350-450 g, hình dạng thuôn dài, khi chín vỏ có màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng tươi, cấu trúc thịt chắc, mịn và ít xơ, vị ngon và thơm. Xoài được trồng đầu tiên tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây được coi là vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất của huyện Cái Bè và đang phát triển mạnh ở tại Bến Tre nơi mà xoài giống đang lên ngôi.
Lịch sử
Xoài cát Hòa Lộc được một tá điền trồng đầu tiên tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường vào năm 1930 (nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang) nên được mang tên là xoài cát Hòa Lộc.[1]
Miêu tả
Xoài cát Hòa Lộc có thể ra trái sau 24 tháng, trọng lượng trung bình 450-600g/trái. Dạng quả thuôn dài, tròn mình, eo rốn rõ, đỉnh nhọn, bầu tròn gần cuống. Vỏ khi chín vàng tươi, mỏng, phủ lớp phấn trắng mịn;thịt quả vàng tươi, dày, chắc thịt, mịn, dẻo, ít xơ, rất ngọt, thơm dịu.
Phát triển
Hiện nay, ngoài Tiền Giang, xoài cát Hòa Lộc còn được nhân giống và trồng chuyên canh tại một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ như Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai,… Trong chủ trương phát triển vườn cây ăn trái đến năm 2010, tổng diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc ở Việt Nam sẽ được nâng lên 9.000 ha và mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 40.000 tấn xoài[2].
Chú thích
- ^ “Xoài cát Hòa Lộc – Cây trồng có giá trị kinh tế cao”.
- ^ Giải pháp phát triển bền vững vùng chuyên canh xoài cát Hoà Lộc–Tiền Giang.vn. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2009